Tìm hiểu về cây cafe
Cà phê là tên một chi thực vật thuộc họ Thiến thảo (Rubiaceae). Họ này bao gồm khoảng 500 chi khác nhau với trên 6.000 loài cây nhiệt đới.
Chi cà phê bao gồm nhiều loài cây lâu năm khác nhau. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng chứa caffein trong hạt, một số loài khác xa với những cây cà phê ta thường thấy.
Chỉ có hai loài cà phê có ý nghĩa kinh tế. Loài thứ nhất có tên thông thường trong tiếng Việt là cà phê chè (tên khoa học: Coffea arabica), đại diện cho khoảng 61% các sản phẩm cà phê trên thế giới. Loài thứ hai là cà phê vối (tên khoa học: Coffea canephora hay Coffea robusta), chiếm gần 39% các sản phẩm cà phê. Ngoài ra còn có Coffea liberica và Coffea excelsa (ở Việt Nam gọi là cà phê mít) với sản lượng không đáng kể.
Đặc trưng
Thân
Thân cây cà phê vối, khi cưa đốn thường được dùng chạm trổ các đồ thủ công mỹ nghệ.
Cây cà phê chè có thể cao tới 6 m, cà phê vối tới 10 m. Tuy nhiên ở các trang trại cà phê người ta thường phải cắt tỉa để giữ được độ cao từ 2-4 m, thuận lợi cho việc thu hoạch. Cây cà phê có cành thon dài, lá cuống ngắn, xanh đậm, hình oval. Mặt trên lá có màu xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt hơn. Chiều dài của lá khoảng 8-15 cm, rộng 4-6 cm. Rễ cây cà phê là loại rễ cọc, cắm sâu vào lòng đất từ 1 đến 2,5 m với rất nhiều rễ phụ tỏa ra xung quanh làm nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
Hoa
Hoa cà phê màu trắng, có năm cánh, thường nở thành chùm đôi hoặc chùm ba. Màu hoa và hương hoa dễ làm ta liên tưởng tới hoa nhài. Hoa chỉ nở trong vòng 3 đến 4 ngày và thời gian thụ phấn chỉ vài ba tiếng. Một cây cà phê trưởng thành có từ 30.000 đến 40.000 bông hoa.
Ngay từ khi cây cà phê ra hoa kết quả người ta đã có những đánh giá đầu tiên về vụ mùa cà phê. Ở các nước sản xuất cà phê lớn điều này đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra những nhận định về giá cả và thị trường. Tuy vậy những đợt rét đậm hoặc hạn hán có thể làm đảo lộn mọi sự tính toán và đẩy thị trường vào tình thế hoàn toàn khác.
Quả
Cà phê là loài cây tự thụ phấn, do đó gió và côn trùng có ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh sản của cây. Sau khi thụ phấn từ 7 đến 9 tháng cây sẽ cho quả hình bầu dục, bề ngoài giống như quả anh đào. Trong thời gian chín, màu sắc của quả thay đổi từ xanh sang vàng rồi cuối cùng là đỏ. Quả có màu đen khi đã chín nẫu. Do thời gian đâm hoa kết trái lâu như vậy mà một vụ cà phê kéo dài gần một năm trời và có thể xảy ra trường hợp trên một cây vừa có hoa, vừa có quả.
Thông thường một quả cà phê chứa hai hạt. Chúng được bao bọc bởi lớp thịt quả bên ngoài. Hai hạt cà phê nằm ép sát vào nhau. Mặt tiếp xúc giữa chúng là mặt phẳng, mặt hướng ra bên ngoài có hình vòng cung. Mỗi hạt còn được bảo vệ bởi hai lớp màng mỏng: một lớp màu trắng, bám chặt lấy vỏ hạt; một lớp màu vàng rời rạc hơn bọc ở bên ngoài. Hạt có thể có hình tròn hoặc dài, lúc còn tươi có màu xám vàng, xám xanh hoặc xanh. Thỉnh thoảng cũng gặp nhưng quả chỉ có một hạt (do chỉ có một nhân hoặc do hai hạt bị dính lại thành một).
Niên vụ (năm sản xuất)
Ở Việt Nam, nước hiện đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê vối (robusta), niên vụ được tính từ tháng 10 đến hết tháng 9 năm sau (theo dương lịch). Thời gian thu hoạch tại các tỉnh Tây Nguyên (là nơi sản xuất khoảng 80 % tổng sản lượng của Việt Nam) thường kéo dài trong 4 tháng, tính từ cuối tháng 10 đến hết tháng 1.
Ngay sau thu hoạch là thời gian nông dân trồng cà phê vối bắt đầu tưới nước cho cây và bón phân, chia thành nhiều đợt ngắn. Giai đoạn này kéo dài đến tháng 4 hàng năm.
CÀ PHÊ CHÈ (ARABICA)
Cà phê chè là tên gọi theo tiếng Việt của loài cà phê có (tên khoa học là: coffee arabica) do loài cà phê này có lá nhỏ, cây thường để thấp giống cây chè một loài cây công nghiệp phổ biến ở Việt Nam.
Loại này có hai loại đang trồng tại Việt Nam: Moka và Catimor
a) Moka: mùi thơm quyến rũ, ngào ngạt, vị nhẹ, nhưng sản lượng rất thấp, giá trong nước không cao vì không xuất khẩu được, trong khi giá xuất rất cao-gấp 2-3 lần Robusta – vì trồng không đủ chi phí nên người nông dân ít trồng loại café này.
b) Catimor: Mùi thơm nồng nàn, hơi có vị chua, giá xuất gấp hai lần Robusta – nhưng không thích hợp với khí hậu vùng đất Tây Nguyên vì trái chín trong mùa mưa và không tập trung – nên chi phí hái rất cao - hiện nay tại Quảng Trị đang trồng thí nghiệm, đại trà loại cây này và có triển vọng rất tốt.
Arabica là loài có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê. Cà phê chè chiếm 61% các sản phẩm cà phê toàn thế giới. Cà phê arabica còn được gọi là Brazilian Milds nếu nó đến từ Brasil, gọi là Colombian Milds nếu đến từ Colombia, và gọi là Other Milds nếu đến từ các nước khác. Qua đó có thể thấy Brasil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này, chất lượng cà phê của họ cũng được đánh giá cao nhất. Các nước xuất khẩu khác gồm có Ethiopia, Mexico, Guatemala, Honduras, Peru, Ấn Độ.
Cây cà phê arabica ưa sống ở vùng núi cao. Người ta thường trồng nó ở độ cao từ 1000-1500 m. Cây có tán lớn, màu xanh đậm, lá hình oval. Cây cà phê trưởng thành có thể cao từ 4-6 m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 15 m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt cà phê.
Cà phê chè sau khi trồng khoảng 3 đến 4 năm thì có thể bắt đầu cho thu hoạch. Thường thì cà phê 25 tuổi đã được coi là già, không thu hoạch được nữa. Thực tế nó vẫn có thể tiếp tục sống thêm khoảng 70 năm. Cây cà phê arabica ưa thích nhiệt độ từ 16-25°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm.
Trên thị trường cà phê chè được đánh giá cao hơn cà phê vối (coffea canephora hay coffea robusta) vì có hương vị thơm ngon và chứa ít hàm lượng caffein hơn. Một bao cà phê chè (60 kg) thường có giá cao gấp 2 lần một bao cà phê vối. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng chủ yếu là cà phê vối. Năm 2005 dự kiến diện tích trồng cà phê chè mới đạt khoảng 10% tổng diện tích trồng cà phê cả nước (khoảng 40.000 ha/410.000 ha).
Lý do khó phát triển cà phê chè do độ cao ở Việt Nam không phù hợp, những vùng chuyên canh cà phê ở Việt Nam như Buôn Ma Thuột Đắk Lắk, Bảo Lộc Lâm Đồng… đều chỉ có độ cao từ 500-1000m so với mực nước biển, loài cây này lại nhiều sâu bệnh hại nên không kinh tế bằng trồng cà phê vối nếu trồng ở Việt Nam.
CÀ PHÊ VỐI (ROBUSTA)
Cà phê Robusta (hay còn gọi là cà phê Vối, cà phê Rô) tên khoa học: Coffea canephora hoặc Coffea robusta là cây quan trọng thứ hai trong các loài cà phê. Khoảng 39% các sản phẩm cà phê được sản xuất từ loại cà phê này.
Nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam. Các nước xuất khẩu quan trọng khác gồm Côte d’Ivoire, Uganda, Brasil, Ấn Độ.
Đặc điểm cây cà phê Robusta
Cây cà phê vối có dạng cây gỗ hoặc cây bụi, chiều cao của cây trưởng thành có thể lên tới 10 m. Quả cà phê có hình tròn, hạt nhỏ hơn hạt cà phê arabica. Hàm lượng caffein trong hạt cà phê robusta khoảng 2-4%, trong khi ở cà phê arabica chỉ khoảng 1-2%.
Giống như cà phê chè (cà phê Arabica), cây cà phê vối 3-4 tuổi có thể bắt đầu thu hoạch. Cây cho hạt trong khoảng từ 20 đến 30 năm. Cà phê vối ưa sống ở vùng nhiệt đới, độ cao thích hợp để trồng cây là dưới 1000 m. Nhiệt độ ưa thích của cây khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm. Cây cà phê vối cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê chè.
Hương vị hạt cà phê Robusta
Cà phê Robusta chứa hàm lượng caffein cao hơn và có hương vị không tinh khiết bằng cà phê chè (Cà phê Arabica), do vậy mà được đánh giá thấp hơn.
Giá một bao cà phê canephora thường chỉ bằng một nửa so với cà phê arabica. Năm 2004 Việt Nam xuất khẩu trên 14 triệu bao cà phê loại này, chiếm gần một nửa lượng cà phê vối xuất khẩu của toàn thế giới (trên 30 triệu bao). Hiện nay gần 90% diện tích cà phê ở Việt Nam được trồng cà phê vối, 10% trồng cà phê chè, khoảng 1% còn lại được trồng cà phê mít (coffea excelsa).
CÀ PHÊ MÍT (LIBERIA)
Cà phê mít hay cà phê Liberia (tên khoa học: Coffea liberica, đồng nghĩa Coffea excelsa thuộc họ Thiến thảo) là một trong 3 loại chính của họ cà phê.
Đặc điểm phân biệt
Cây cao 2m -5m. Thân, lá và quả đều to, khác biệt hẳn các loại cà phê khác là cà phê vối, cà phê mít. Do lá to, xanh đậm nhìn xa như cây mít nên gọi là cà phê mít là vì vậy. Cây chịu hạn tốt, ít cần nước tưới nên thường trồng quảng canh, tuy nhiên do năng suất kém, chất lượng không cao (Có vị chua) nên không được ưa chuộng và phát triển diện tích.
Ở Việt Nam
Tại Việt Nam cây trồng chủ yếu ở các tỉnh như Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum là những tỉnh có điều kiện phù hợp cho phát triển cây công nghiệp nhưng không hoàn toàn thuận lợi cho cà phê phát triển. Đây cũng chính là lý do Đắk Lắk và nhất là Buôn Ma Thuột vốn được xem là thủ phủ cà phê nhưng lại có rất ít diện tích trồng loại cà phê này.
Ở Tây nguyên, Cà phê mít thường nở hoa và thu hoạch muộn hơn các loài cà phê khác do đặc điểm là nở hoa nhờ nước mưa, quả thường thu hoạch vào tháng 12 âm lịch, sau khi các loài cà phê khác đã thu hoạch xong. Sản lượng của cà phê mít không lớn, hạt nhân to, thon dài trắng. Cây thường được trồng thuần loài hay làm đai rừng chắn gió cho các lô cà phê vối, thường trồng thành hàng với khoảng cách 5-7m một cây.
Do đặc tính chịu hạn và có sức chống chọi với sâu bệnh cao nên hiện cà phê mít được dùng làm gốc ghép cho các loại cà phê khác rất được các nhà vườn ưa chuộng.
Hạt cà phê mít thường được trộn vào với cà vối, cà chè khi rang xay để tạo hương vị.
Thông tin chưa được kiểm chứng: Cà phê mít thường hợp với gu của người châu Âu, các loại cà phê hòa tan theo gu châu Âu thường có tỉ lệ cà phê mít nhiều nên thường có vị chua đặc trưng.
* Cà phê Excelsa (Coffea excelsa) thường được gọi với tên cà phê Mít
Cây cao đến trên 10 mét, dạng thân gỗ, lá to. Trái chín muộn, chứa hàm lượng caffein khoảng 2% hạt, có vị chua. Cho trái khoảng 30-40 năm. Độ cao thích hợp dưới 800m, nhiệt độ trung bình 26o- 30¬oC, lượng mưa trên 1000mm, cần nhiều ánh sáng mặt trời. Dễ trồng, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc.
Giống cà phê mít chủ yếu có nguồn gốc từ vùng Tây Phi.
Khi số lượng diện tích và số đồn điền đã tăng lên đáng kể thì vào đầu những năm 50 có thêm giống thứ ba là cà phê Chè được đưa vào trồng nhưng ít được ưa chuộng vì khá phức tạp.
Cà phê Liberia (Coffea liberica) là giống cũng được gọi là cà phê Mít
Chỉ được trồng ở các nước Liberia, Sierra Leone, Ghi-nê xích đạo thuộc vùng Tây Phi. Trước đây ở vài đồn điền quanh BuônMaThuột và vùng Đạt Lý, Ea Pôk đã thấy xuất hiện nhưng số lượng không đáng kể và được gọi với tên là cà phê Séri. Cây cao hơn, lá to hơn giống Excelsa và chín cũng muộn hơn, vị chua. Ở Châu Âu thích dùng để trộn với hai loại kia khi rang xay.
Điểm qua những đặc tính cơ bản của các giống cà phê chính để thấy rằng việc lựa chọn vùng đất thích hợp cho cây là điều quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Nếu muốn đưa đến những vùng đất khác cần phải chọn lọc, tìm ra những dòng thích hợp, đã được thuần hóa và nhất là phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học về giống cây trồng. Không thể tùy tiện, duy ý chí để mà áp đặt chủ quan trái với tự nhiên như những câu chuyện đã được kể trên.
Cho nên đến thời điểm hiện tại có thể nói rằng cây cà phê ở Việt Nam chưa có thương hiệu và chưa phát triển một cách thực sự bền vững. Gần đầy mới thấy khởi động để xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam. Đây là điều mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách và cả cơ quan chăm lo trồng trọt cần phải lưu tâm để cho cây cà phê Robusta Việt Nam khẳng định vị thế số 1 ở trên thị trường toàn cầu một cách chắc chắn.
Tham khảo thêm:
1/ Culi Coffee: Là sự lựa chọn những hạt cà phê no tròn của các giống cà phê Robusta, Arabica và Cherry. Đó là những hạt cà phê đã tích tụ những gì tinh túy nhất mà thiên nhiên đã giành cho vùng đất đỏ bazan. Bằng công nghệ chắc lọc và tinh chế hiện đại cho ra đời một sản phẩm tuyệt hảo nhất.
Đặc điểm: Là những hạt cà phê no tròn. Đặc biệt là trong một trái chỉ có duy nhất một hạt. Vị đắng gắt, hương thơm say đắm, hàm lượng cafein cao, nuớc màu đen sánh đó là những gì mà Culi coffee mang đến. Đó là quá trình kết hợp tinh túy của sự duy nhất.
2/ Robusta – Arabica Coffee: Đây là dòng sản phẩm dựa trên sự kết hợp hoàn hảo của Robusta và Arabica. Là một sản phẩm trong đó đã chắc lọc hết sự tinh túy mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Cao Nguyên đầy nắng gió nhưng rất mến khách.
Đặc điểm: Tạo ra một loại cà phâ riêng biệt, nước màu nâu đậm đặc. Là sự kết hợp vị đắng gắt của Robusta và hương thơm đậm đà của Arabica. Tạo nên một cảm giác thư giãn thật là thoải mái.
3/ Robusta – Cherry Coffee: Đây là một dòng sản phẩm kết hợp mang sắc thái riêng biệt. Không thua kém gì Robusta – Arabica. Là sự hòa quyện giữa đắng gắt của Robusta và vị chua quyến rũ của Cherry. Từ đó chinh phục lòng người với một cảm giác ngất ngây và say đắm như những đôi tình nhân.
Đặc điểm: Nước sánh đậm, vị đắng gắt và chua pha lẫn vào nhau tạo nên một loại thức uống. Đây là kết quả của mối tình chua và đắng.
4/ Robusta – Culi Coffee: Đây là một sản phẩm tổng hợp Robusta – Culi. Tạo nên sự đậm đà hơn nữa trong màu sắc cũng như tăng cường vị đắng gắt của Robusta. Tao nên một dòng sản phẩm đậm đà càng đậm đà hơn giành riêng cho những người sành cà phê và thích cảm giác mạnh.
Đặc điểm: vị đắng gắt, hương thơm nhẹ, hàm lượng cafein tương đối cao, nước màu nâu sánh. Tạo cảm giác sảng khoái, năng động hơn.
5/ Euro Coffee: Là sản phẩm khơi nguồn từ niềm đam mê bóng đá. Những đêm thao thức cùng mùa bóng. Là sự kết hợp hòan hảo giữa những loại cà phê thượng hạng. Tạo cho người sử dụng có được cảm giác hưng phấn và tăng thêm niềm đam mê bóng đá.
Đặc điểm: Với công thức hoàn hoả và dây chuyền thiết bị, công nghệ hiện đại đã tạo nên sự khác biệt cho một sản phẩm mang đầy bản sắc đam mê. Hương thơm nồng nàng lôi cuốn của Arabica, vị đắng gắt của Robusta, chua của Cherry, hàm lượng cafein rất cao của những hạt cà phê Culi thượng hạng. Tất cà tạo nên một niềm đam mê bất tận giành cho những đêm thao thức cùng quả bóng tròn.